Cách học ở Canada khác gì so với Việt Nam?

Nổi tiếng là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu, học tập tại Canada hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời. Tuy nhiên đối với sinh viên Việt Nam, trong thời gian đầu, nếu chưa có sự chuẩn bị kĩ càng, có thể các bạn sẽ vô cùng bỡ ngỡ và mất khá nhiều thời gian để thích nghi với cách học mới.

1. Phương pháp giảng dạy của giáo viên

Nếu như ở Việt Nam, số tiết học lý thuyết của các bạn khá dày thì tại Canada, hầu như lý thuyết sẽ do bạn tự tìm hiểu vì có sẵn trong sách. Khi lên lớp, bạn sẽ được nghe các giáo sư phân tích các case study, cách áp dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống trong cuộc sống, cập nhật những nghiên cứu gần nhất,..Nếu không nhanh tay ghi chú, chắc chắn bạn sẽ không thể nhớ mình đã học gì vì lượng kiến thức mỗi tiết học rất nhiều.


2. Phương tiện dạy và học

Các bài giảng sẽ được trình chiếu lên bảng kèm theo hình ảnh, video minh họa nhằm giúp sinh viên có cái nhìn chuẩn sát hơn và tạo không khí sôi nổi cho lớp học. Ngoài ra, các giáo sư còn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ dạy học trên máy tính bảng, laptop, điện thoại để sinh viên có thể hệ thống hóa kiến thức và thuận tiện hơn trong quá trình học tập.

 

3. Chương trình học trên lớp

Ngoài nghe giảng, bạn thường xuyên phải làm bài tập nhóm để giải quyết các vấn đề mà giáo sư đưa ra, sau đó trình bày trước lớp câu trả lời của cả nhóm và tham gia tranh luận, phản biện cùng mọi người. Các bài tập cá nhân cũng đa dạng như trả lời câu hỏi ngắn, trình bày ý kiến,..Ngoài ra, bạn còn phải làm các bài kiểm tra định kỳ để các giáo sư có thể nắm được tiến độ học tập của bạn để hỗ trợ kịp thời.

4. Bài tập về nhà

Bài tập về nhà có hai dạng: bài nhóm và bài cá nhân. Bài nhóm thường là những bài tập khó, đòi hỏi nghiên cứu kỹ càng và lượng kiến thức rộng. Các bạn sẽ cùng nhau thuyết trình trước lớp và giáo sư về bài tập của mình vào cuối kỳ. Bài cá nhân cũng rất đa dạng như nghiên cứu nhỏ, viết bài luận, bài thuyết trình ngắn,..


5. Áp lực tâm lý

 Quãng thời gian mà các du học sinh Việt hay gặp áp lực nhất chính là giai đoạn đầu mới sang, phải è đầu è cổ học tiếng Anh vì những gì học trên sách hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ giao tiếp thực tế. Bên cạnh đó, những ngành “nhiều chữ” như tâm lý học, báo chí, ngôn ngữ, luật… không phải là những ngành thế mạnh của sinh viên Việt Nam, để học tốt những ngành này không chỉ đòi hỏi thành thạo tiếng Anh mà còn phải hiểu biết rất rõ, rất sâu về văn hóa của nước bản địa vì hầu hết kiến thức học bên này đều dựa trên thực tiễn, gắn với thực tế rất rõ ràng.

 

Nhiều giáo viên khó tính còn có tâm lý làm khó sinh viên nước ngoài vì đơn giản họ không thích, lượng bài tập mà họ giao cho những sinh viên này bao giờ cũng nhiều hơn sinh viên bản địa. Đặc biệt là những môn học kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức vấn đáp, họ sẽ vặn vẹo bạn cả tiếng cho đến khi “xoắn quẩy” mới thôi.

 

Có những ngôi trường học cực kỳ ít sinh viên quốc tế, mỗi khi có vấn đề cần hỏi, cần trao đổi các bạn du học sinh cũng không biết trao đổi cùng ai. Và ở đây du học sinh cũng rất hiếm khi nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, giáo viên vì thường họ sẽ ít dành thời gian để quan tâm đến thiểu số.

 

Nhiều du học sinh thực sự cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến quãng thời gian thanh xuân của mình chỉ chôn vùi trong sách vở, trong những áp lực học hành, những lo toan cuộc sống nơi xứ người.

Cuộc sống du học không hề màu hồng, nhưng nó cũng không phải là một màu đen ảm đạm, bên ngoài kia còn rất nhiều điều khám phá, hãy mở lòng, sẻ chia nhiều hơn mỗi khi có vấn đề tâm lý, đừng để mọi chuyện đi quá xa, sau này có hối cũng không kịp.